Mạng lưới thịnh vượng kinh tế mà Mỹ đang muốn thiết lập có thể là cơ hội bằng vàng cho Việt Nam để mời gọi các doanh nghiệp nước này đến đầu tư, TS. Đinh Trường Hinh, Chủ tịch EGAT (Virginia, Hoa Kỳ) nói với Trí Thức Trẻ.
TS. Đinh Trường Hinh nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng, World Bank ở Washington, D.C. (1978 – 2014).
Các nghiên cứu của ông tập trung vào các lĩnh vực tài chính công, tài chính quốc tế, công nghiệp hóa, và phát triển kinh tế. Ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp nhẹ châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hoá (2017).
-Hiện nay truyền thông đang nói nhiều đến việc Mỹ sẽ dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Theo quan sát của ông, điều này đang diễn ra như thế nào ở chính sách vĩ mô của Chính phủ và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp Mỹ?
Chính phủ Mỹ đang rất muốn giảm lệ thuộc của các chuỗi cung ứng hoàn cầu (global value chains) vào Trung Quốc, nhất là đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán đã cho Mỹ và thế giới thấy là đã phải dựa vào Trung Quốc quá nhiều trong việc sản xuất các đồ dùng khẩn yếu về y tế như thuốc men, vật dụng y tế…
Hiện Mỹ đang nỗ lực xem xét việc thiết lập một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” (Economic Prosperity Network), gồm một nhóm các đối tác đáng tin cậy như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, và New Zealand để hoạt động trên các tiêu chuẩn giống nhau trong mọi thứ, từ kinh doanh đến kỹ thuật số, năng lượng, cơ sở hạ tầng, đến nghiên cứu, giáo dục…
Nhóm này sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm giảm đi sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn cung nhất là trong các trường hợp khẩn cấp.
Đây là một cơ hội bằng vàng để Việt Nam đưa các doanh nghiệp Mỹ này vào đầu tư vì họ có công nghệ tối tân, cách làm việc khoa học và không ngại chia sẻ kiến thức.
Quan trọng là chúng ta phải biết khuyến khích họ đầu tư vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đó là những ngành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam.
Tuy nhiên chúng ta phải thực tế. Chính phủ Mỹ muốn là một chuyện mà có được hay không lại là chuyện khác.
Thứ nhất, căn bản của doanh nghiệp Mỹ là lợi nhuận. Nếu Chính phủ Mỹ muốn rút đi nhưng các doanh nghiệp Mỹ muốn ở lại để tận dụng thị trường 1,4 tỷ dân thì không dễ gì.
Vì vậy, tôi cho trong thời gian tới, Chính phủ Mỹ sẽ tạo ra các điều kiện khó khăn để làm các doanh nghiệp phải nản lòng, chẳng hạn như đánh thuế nhập cảng lên các mặt hàng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách có thành công hay không sẽ tùy theo tình hình chính trị Mỹ. Tức các doanh nghiệp có gây áp lực ngược trở lại để thay đổi chính sách không.
Thứ hai, các chuỗi cung ứng liên quốc gia đã được hoàn thiện trong 2-3 thập niên nên các doanh nghiệp không thể một sớm một chiều dịch chuyển sang các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam…
Do đó, theo tôi nghĩ, dù Chính phủ Mỹ có thành công, cũng sẽ mất tối thiếu 3-5 năm nếu không nói là lâu hơn mới đem phần lớn các công ty Mỹ và các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Hy vọng chúng ta có thể tận dụng thời gian này để chuẩn bị đầy đủ hầu có thể đem các công ty này vào Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn còn là một điểm đến quan trọng đối với nhiều công ty Mỹ và nước khác do hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao. Các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc có một mạng lưới chặt chẽ của các nhà sản xuất và nhà cung cấp rộng lớn, hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng của Hoa Kỳ, giao hàng đúng thời gian, chứng nhận an toàn và sản xuất theo khối lượng lớn.
Hãng Apple đã gặp nhiều trở ngại trong việc sản xuất ở các nước nằm ngoài Trung Quốc vì không có sẵn các kỹ sư có tay nghề cao, thiếu các nhà cung cấp dựa trên giá trị gia tăng và đổi mới có thể đưa ra mức giá cạnh tranh tốt cũng như không có các dịch vụ hậu cần đáng tin cậy, giao thông, cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện nước.
-Những điều kiện như thế nào để một quốc gia có thể hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ đầu tư? Nhiều tờ báo dẫn ra nhận định Việt Nam là điểm đến khá ưa thích của doanh nghiệp Mỹ ở khu vực châu Á.
Ngoài yếu tố quan trọng là mức lương (lao động, chuyên viên) thấp, còn có các yếu tố quan trọng khác chẳng hạn như sự hiện diện của các kỹ sư có tay nghề cao, của các nhà cung cấp có giá trị cao và sáng tạo để có thể đưa ra mức giá cạnh tranh và sự hiện diện của các dịch vụ hậu cần đáng tin cậy, cũng như giao thông, cac cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện nước.
Hiện tại so với các nước khác, Việt Nam đang có nhiều ưu điểm như lao động cần cù, thông minh, mức lương thấp khiến các doanh nghiệp Mỹ rất chú ý. Tuy nhiên yếu điểm là cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu, cơ chế quản trị còn nặng nề, các chính sách chưa thực thiết thực…
Nhưng phải nhìn xa hơn thực tại. Việt Nam không thể duy trì lâu dài những ưu điểm hiện nay. Trong tương lai, mức lương lao động chỉ có thể tăng lên nếu năng suất tăng lên và như vậy thì các hoạt động kinh tế phải dời đến các ngành nghề có giá trị tăng trưởng cao, dùng nhiều chất xám hơn là lắp ráp. Nếu không, khi chi phí lao động tăng, doanh nghiệp ngoại đơn giản đóng cửa nhà máy và dịch chuyển sang các quốc gia nghèo khác như Bangladesh, Campuchia…
-Để khuyến khích FDI vào những ngành có tay nghề cao, cần làm gì?
Đầu tiên cần phải lập ra một bảng danh sách những sản phẩm hay phân ngành (products or subsectors) hiện đang có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng mà một mặt khác nằm trong khả năng mình có thể sản xuất. World Bank đã làm một nghiên cứu cho nước Mexico như vậy và mới đây tôi cũng đã làm một nghiên cứu như vậy cho Maroc.
Tiếp theo, Chính phủ phải thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân về các rào cản hay vướng mắc khi đi vào sản xuất các sản phẩm hay phân ngành này cũng như lập ra các gói khuyến khích để thu hút FDI vào giải quyết những rào cản nầy.
Việt Nam sau đó phải xem xét lại chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lĩnh vực có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa, và ngăn chặn đầu tư không thân thiện với môi trường.
Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới.
Điều này đòi hỏi những cải tổ theo chiều sâu như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters); đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ.
Tôi đã trình bày những rào cản cho sự phát triển kỹ nghệ Việt Nam trong cuốn sách ‘Light Manufacturing in Vietnam’ (Phát triển công kỹ nghệ nhẹ tại Việt Nam) do World Bank xuất bản.
Điều quan trọng là muốn Việt Nam phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân thì phải nâng cấp các DNNVV hoặc các công ty gia đình Việt Nam trong nước để gia nhập và cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới.
Do đó, vấn đề cần nhất của Việt Nam là làm sao để các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới. Đó là cách tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất.
-Theo ông, cần lưu ý đến chính sách, chiến lược của quốc gia nào trong khu vực về thu hút các tập đoàn đa quốc gia? Cụ thể Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những nước nào, ở những mặt gì?
Trong “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, chỉ có Ấn Độ là thuộc nhóm các nước đang phát triển như Việt Nam, còn ngoài ra là các nước phát triển.
Do đó gần nhất là chúng ta phải để ý đến những gì Ấn Độ đang làm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ rằng các nước trong ASEAN chẳng hạn như Indonesia, Malaysia, Philippines, và Thái Lan là những nước luôn có tiềm năng hấp dẫn đầu tư của Mỹ và châu Âu và sẽ là những nước cạnh tranh với chúng ta.
Hiện tại Ấn Độ đã liên lạc để lôi kéo trên 1.000 công ty ngoại quốc, đa số là Mỹ, ở trong các lãnh vực y tế, công kỹ nghệ hiện đang có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Trong số 1.000 công ty này, có trên 300 công ty đã bắt đầu chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng thế giới từ Trung Quốc qua Ấn Độ. Các công ty này nằm trong các lĩnh vực điện thoại di động, điện tử, dụng cụ y khoa, và dệt may.
Ấn Độ đang cố gắng đưa ra những gói ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư từ Mỹ. Ấn độ đã hạ mức thuế doanh nghiệp từ 25% xuống đến 17%, một trong những mức thuế thấp nhất ở châu Á nhằm khuyến khích đem FDI vào nội địa.
Nước này cũng đang kiếm cách giảm giá sản xuất để làm cho việc đầu tư trở nên hấp dẫn hơn. Theo sự tính toán của họ, giá lao động của các nước châu Á như Việt Nam rẻ hơn khoảng 10-15 % nhưng bù lại với dân số 1,2 tỷ người, họ có thể hấp dẫn các công ty Mỹ bám vào thị trường nội địa và yếu tố này có thể bù lại 6-7%. Như vậy, giá sản xuất của họ sẽ gần với các nước châu Á khác.
Cũng nên nhớ rằng các ngành khác nhau thường phản ứng khác nhau với các gói ưu đãi. Các công ty dệt may, quần áo và giày dép đang tìm kiếm các nước có chi phí lao động thấp.
Các công ty sản xuất ô tô đang tập hợp tại hoặc xung quanh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Các chuỗi cung ứng điện tử tập trung chủ yếu ở các địa điểm công nghệ cao như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, mặc dù một số cũng đã chuyển đến Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
Theo Trí thức trẻ