Tổng cục Hải quan đang điều tra, xác minh 6 công ty gỗ làm giả giấy tờ, hồ sơ để gian lận xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, các doanh nghiệp đang bị điều tra có trụ sở ở TP Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết điểm chung của các doanh nghiệp (DN) này là trong thời gian ngắn đã sản xuất và xuất khẩu số lượng lớn hàng gỗ dán, gỗ ghép có trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.
Một số doanh nghiệp gỗ có dấu hiệu gian lận xuất xứ (ảnh minh họa) – Ảnh: Tấn Thạnh
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại VT (ở TP Hà Nội), từ đầu năm 2018 đến hết tháng 3-2019 đã xuất khẩu hơn 27.051 m3, các mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán trị giá hơn 405,6 tỉ đồng; Công ty Cổ phần AA (Nam Định) từ khi thành lập tháng 6-2018 đến tháng 3-2019 đã sản xuất và bán cho Công ty TNHH VT để xuất khẩu 5.709m3 để xuất khẩu trị giá hàng hóa hơn 60,4 tỉ đồng.
Cơ quan hải quan đã xác minh đối với 6 công ty và làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy có một số vi phạm trong việc DN lập hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Ông Vũ Quang Toàn, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu), cho biết các công ty trên đã thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân ghi trong hợp đồng. Đồng thời, sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng mà công ty sản xuất để bán cho Công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu.
Các DN này còn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng mua keo, bột mỳ dùng cho nhiều tờ khai để làm hồ sơ xin cấp C/O mà tổng số lượng keo và bột mỳ trong các tờ khai vượt quá số lượng so với số lượng keo, bột mỳ trên hóa đơn đầu vào.
“Có một số DN nhập khẩu ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O”- ông Toàn cho hay.
Cục Điều tra chống buôn lậu nhận thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong xác nhận hồ sơ lâm sản. UBND một số xã không mở hồ sơ theo dõi khai thác lâm sản, không kiểm tra thực tế trước khi xác nhận hồ sơ lâm sản.
Cũng theo ông Toàn, có nhiều hồ sơ lâm sản, số lô, số thửa trên bảng kê lâm sản không có trên thực tế hoặc không đúng với số lô, số thửa mà hộ dân đang trồng và khai thác rừng, cá biệt còn có trường hợp lãnh đạo UBND xã ký, đóng dấu sẵn vào một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, Bảng kê lâm sản khai thác, Bảng kê lâm sản rồi đưa cho hộ dân về tự điền thông tin vào các giấy tờ trên.
Ngoài ra, một số bảng kê lâm sản, bảng kê lâm sản khai thác không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, chữ ký của chính quyền xã, không có chữ ký của người dân trong hợp đồng mua nguyên liệu nhưng vẫn được cấp chứng nhận C/O.
Theo Minh Chiến
Người lao động