Cơ quan chức năng vẫn đang nợ doanh nghiệp, người tiêu dùng một văn bản pháp lý quy định rõ “thế nào là Made in Vietnam”.
Tọa đàm “Thế nào là Made in Vietnam” do Hội Truyền thông số Việt Nam (VN) tổ chức ngày 17-7 tại Hà Nội cung cấp thêm nhiều góc nhìn về vấn đề xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh câu hỏi Asanzo có lừa dối người tiêu dùng hay không vẫn đang nóng.
Mỗi nước áp dụng một kiểu
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng: VN đã có quy định về dán nhãn lên sản phẩm nhưng các quy định đó chưa đưa ra tiêu chí nào để một sản phẩm được dán nhãn “Made in Vietnam”.
Theo bà Hương, mỗi quốc gia đều có quy định cụ thể về nhãn mác. Mỹ quy định mọi sản phẩm khi được nhập khẩu vào nước này phải ghi xuất xứ trên bao bì đóng gói. Còn Trung Quốc quy định dán nhãn dùng cho thực phẩm nhập khẩu. EU quy định dán nhãn cho thực phẩm và mỹ phẩm nhập khẩu. Nhật Bản cũng quy định cho thực phẩm nhập khẩu và Nga quy định dán nhãn tất cả hàng hóa tiêu dùng.
“Hiện tại EU chưa có bất kỳ quy định nào liên quan dán nhãn “Made in…” cho hàng hóa không phải thực phẩm nhập khẩu vào EU. Việc dán nhãn này là quyền tự do của các nhà sản xuất và nhập khẩu. Họ có quyền tự do đưa dữ liệu thông tin và xuất xứ hàng hóa lên sản phẩm” – bà Hương nói.
Tuy nhiên, vẫn theo bà Hương, quá trình khai báo xuất xứ với hải quan thì phải ghi rõ trên tất cả tờ khai hải quan. Riêng với Mỹ, trường hợp ngoại lệ không cần phải ghi lên nhãn mác, ví dụ, trái cây và có rất nhiều ký hiệu mã hiệu cho doanh nghiệp (DN) lựa chọn như “Made in…” – “Manufactured of…”.
Lấy ví dụ thêm về câu chuyện Mỹ áp thuế chống phá giá với thép từ VN, bà Hương cho biết: Mặc dù thép các DN xuất khẩu đi là sản phẩm thép hình và các DN sử dụng nguồn thép trong nước của Formosa hoặc sử dụng thép nhập khẩu rồi gia công, cán nguội. Căn cứ các quy định của VN, những sản phẩm thép hoàn toàn đáp ứng quy định về xuất xứ của VN. Tuy nhiên, quy định của Mỹ là sản phẩm thép hình đó nếu muốn đáp ứng quy định xuất xứ phải trải qua công đoạn cán nóng tại VN mới được coi là xuất xứ VN.
Luật sư Trần Ngọc Trung: “Việc ghi xuất xứ muôn hình vạn trạng, rất đa dạng”. Bà Trần Thị Thu Hương: “Chưa có tiêu chí để một sản phẩm được dán nhãn Made in Vietnam”. Ảnh: CL
Nếu Asanzo nhập linh kiện của Nhật thì sao?
Vấn đề này được luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker&McKenzie, nêu ra tại tọa đàm. Ông Trung nói ở góc độ người tiêu dùng, nhận thức về xuất xứ hàng hóa là rất khác nhau.
“Với trường hợp Asanzo, tôi có câu hỏi: Họ có đội lốt hàng VN không nếu nhập khẩu toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc về và chỉ gia công chế biến đơn giản rồi gắn mác “Made in Vietnam”? Giả dụ cũng quy trình sản xuất đó, hàm lượng như thế nhưng họ nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản rồi lắp ráp tại VN và dán nhãn Nhật Bản thì có phải là lừa dối khách hàng? Đó là câu hỏi tôi nghĩ bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó tìm câu trả lời đúng 100%” – ông Trung nêu vấn đề.
Đồng tình với bà Hương, ông Trung nói quy định về dán mác hàng hóa VN đã có. Nhưng vấn đề dán mác xuất xứ cũng có nhiều tình huống, thậm chí có tình huống không xác định được xuất xứ.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI, cho biết đã phát hiện nhiều DN chỉ thực hiện những “công đoạn sản xuất đơn giản” nên đã từ chối cấp giấy chứng nhận xuất xứ. “Tình trạng gian lận thương mại giờ đã không còn như trước, DN đã sử dụng những phương thức tinh vi hơn, mua bán lòng vòng để việc truy xuất nguồn gốc trở nên khó khăn hơn” – bà Hương cho hay.
Đại diện VCCI cũng đề xuất các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan hải quan cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng gian lận thương mại. |
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng đánh giá ở góc độ người tiêu dùng thì vấn đề cuối cùng nằm ở chất lượng hàng hóa. Chúng ta không tin vào chất lượng hàng Trung Quốc nên chúng ta phản ứng. Cho nên khi đánh giá vấn đề nhãn mác cần có cái nhìn khách quan” – ông Trung nói và cho rằng: Quản lý chất lượng hàng hóa quan trọng hơn quản lý xuất xứ.
Về câu chuyện Asanzo, ông Trung nói không có điều kiện nắm bắt hết nên chưa kết luận. Nhưng căn cứ vào các quy định về xuất xứ thì việc dán nhãn “Made in Vietnam” vẫn có khả năng xảy ra. Bởi tùy theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết thì quy tắc xuất xứ khá linh hoạt. Với FTA này thì không được nhưng với FTA khác thì có thể được.
“Chẳng hạn theo FTA ASEAN – Trung Quốc, nguyên tắc cộng gộp cho phép coi tất cả sản phẩm có nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên được coi là xuất xứ từ quốc gia làm ra sản phẩm ấy” – ông Trung nói.
Theo ông, việc ghi xuất xứ ở đâu là muôn hình vạn trạng, rất đa dạng và là cái tùy biến. Bản thân quy định các nước khác cũng cho thấy sự tùy biến cao. “Còn vấn đề đội lốt hàng VN, trực quan nhất phải là câu chuyện KhaiSilk. Vì KhaiSilk nhập khẩu 100% cái khăn lụa từ Trung Quốc và dán nhãn Made in Vietnam” – ông Trung nói.
Một chuyên gia tham dự tọa đàm nhận xét mọi người cứ quen nghe “Made in …”, tức là phải sản xuất ở một quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, thực tế với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu rất hoàn hảo thì một sản phẩm phải là “Made in the world”, “Made in the region”.
Với bất kỳ một loại quy tắc xuất xứ nào thì quy tắc nền tảng là công đoạn gia công chế biến cuối cùng diễn ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nào đó thì có thể được gắn “Made in, Assembled in, Produced in…”. Nhãn này chỉ thể hiện công đoạn gia công chế biến cuối cùng diễn ra tại vùng lãnh thổ đó mà thôi, còn sản phẩm có thể là cộng gộp nguyên liệu, chất xám từ nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khác nhau. Bởi vấn đề cuối cùng vẫn là chất lượng và giá cả hàng hóa có chinh phục được người tiêu dùng hay không.
“Tất cả quy định về dán nhãn “Made in…” mà VN đã và đang có chỉ để phục vụ việc nói rõ xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông nội địa. Trong khi đến nay các cơ quan chức năng đang nợ DN, người tiêu dùng một văn bản pháp lý quy định rõ “thế nào là Made in Vietnam” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh