Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu diễn biến trái chiều, vàng bật tăng trở lại, palađi cao nhất gần 1 tháng, nhôm cao nhất gần 3 tuần, kẽm cao nhất hơn 2 tháng, cao su cao nhất 1 tháng, thép, quặng sắt đều tăng.
Giá dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin ủng hộ việc mở rộng một số biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, trong khi giá dầu Brent giảm do lo ngại việc cắt giảm sản lượng không phát huy hiệu quả.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 6/2020 hết hiệu lực trong ngày tăng 68 US cent tương đương 2,1% lên 32,5 USD/thùng và giá dầu kỳ hạn tháng 7/2020 tăng lên 31,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 16 US cent tương đương 0,5% xuống 34,65 USD/thùng.
John Kilduff thuộc Again Capital Management, New York cho biết, tồn trữ dầu thô Mỹ trong số liệu chính thức hàng tuần sẽ được công bố vào ngày 20/5/2020 có thể hỗ trợ giá. Các nhà tư vấn thuộc Eurasia Group cho biết, nhu cầu phục hồi dự kiến sẽ chậm, trong khi suy thoái toàn cầu và dịch bệnh tại các thị trường mới nổi gia tăng có thể cản trở nhu cầu dầu.
Giá khí tự nhiên cao nhất gần 2 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 3% do sản lượng tiếp tục giảm khi các công ty năng lượng đóng cửa các giếng dầu và khí đốt và giảm chi tiêu cho hoạt động khoan mới sau khi giá dầu giảm vào đầu năm nay do nhu cầu giảm mạnh bởi đại dịch virus corona.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 4,7 US cent tương đương 2,6% lên 1,830 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 7/5/2020.
Giá khí tự nhiên tăng bất chấp dự kiến đại dịch sẽ khiến nhu cầu sử dụng năng lượng nội địa và xuất khẩu thấp trong nhiều tháng.
Giá vàng tăng trở lại, palađi cao nhất gần 1 tháng
Giá vàng tăng trong bối cảnh không chắc chắn về các nền kinh tế sẽ vực dậy như thế nào từ sự suy thoái, song lạc quan về vắc xin virus corona đã hạn chế đà tăng giá.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.743,25 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 0,6% lên 1.745,6 USD/ounce.
Đồng thời, giá palađi không thay đổi ở mức 2.012,54 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 2.109,2 USD/ounce, cao nhất gần 1 tháng.
Giá đồng tăng nhẹ, nhôm cao nhất gần 3 tuần, kẽm cao nhất hơn 2 tháng
Giá đồng tăng nhẹ, song từ bỏ mức cao nhất 2 tháng do lo ngại thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19 làm lu mờ lạc quan về vắc xin tiềm năng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,7% lên 5.354,5 USD/tấn, song từ bỏ mức cao nhất kể từ ngày 16/3/2020 (5.377,5 USD/tấn).
Trong phiên trước đó, giá đồng tăng 2,6%. Tính đến nay, giá đồng tăng 22% kể từ mức thấp nhất 45 tháng trong ngày 19/3/2020.
Các thị trường tài chính tăng trong ngày 18/5/2020 sau số liệu tích cực trong một thử nghiệm an toàn về một loại vắc xin mới từ công ty Moderna Mỹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với số liệu cho thấy rằng việc xây nhà của Mỹ giảm kỷ lục trong tháng 4/2020 và tuyên bố thất nghiệp của Anh tăng lên mức cao nhất trong 24 năm.
Đồng thời, giá nhôm trên sàn London giảm 0,6% xuống 1.487 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.502 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 30/4/2020, trong khi giá kẽm tăng 0,4% lên 2.031,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.038 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/3/2020.
Giá quặng sắt tăng phiên thứ 5 liên tiếp, thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 5 liên tiếp được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu nội địa tăng do kỳ vọng nhiều biện pháp kích thích kinh tế, trong khi các vấn đề nguồn cung toàn cầu cũng hỗ trợ giá.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 3,6% lên 711 CNY (100,07 USD)/tấn và tăng tổng cộng 13% trong 5 phiên liên tiếp vừa qua.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Singapore tăng 1,4% lên 92,56 USD/tấn, sau khi tăng 3,4% trong phiên trước đó.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 1,4%, thép cuộn cán nóng tăng 1,3% và thép không gỉ tăng 0,5%.
Giá cao su cao nhất 1 tháng
Giá cao su tại Tokyo tăng cao nhất gần 1 tháng, dõi theo kết quả vắc xin thử nghiệm virus corona giai đoạn đầu đầy hứa hẹn và kỳ vọng nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM tăng 2,3 JPY tương đương 1,5% lên 153,7 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 20/4/2020.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 10.310 CNY/tấn.
Giá đường tăng, cà phê diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE tăng 0,05 US cent tương đương 0,5% lên 10,85 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 1 USD tương đương 0,3% lên 364,6 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 0,7 US cent tương đương 0,6% xuống 1,0705 USD/lb. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 2 USD tương đương 0,2% lên 1.184 USD/tấn.
Giá đậu tương giảm, ngô và lúa mì tăng
Giá đậu tương tại Chicago giảm do tiến độ trồng trọt nhanh hơn so với dự kiến và các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 1-3/4 US cent lên 4,98-3/4 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1/2 US cent lên 3,21-1/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 2-1/2 US cent xuống 8,42-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ tiếp đà tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng nhẹ sau khi tăng mạnh trong đầu phiên giao dịch, do một số nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá dầu cọ đạt mức cao nhất gần 1 tháng và sản lượng tại một số khu vực của nước này trong tháng 5/2020 tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 9 ringgit tương đương 0,42% lên 2.151 ringgit (495,05 USD)/tấn, sau khi tăng 1,54% trong đầu phiên giao dịch.
Giá dầu cọ tăng 2,4% trong phiên trước đó và đạt mức cao nhất kể từ ngày 21/4/2020, sau khi Indonesia quyết định tăng thuế xuất khẩu để duy trì chương trình nhiên liệu sinh học B30.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/5
Theo Trí thức trẻ