Không còn là thị trường “dễ tính”, Trung Quốc đã và đang ngày càng nâng cao yêu cầu với nông, thủy sản NK vào nước này. Điều đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức, song cũng được xem là cơ hội để nông, thủy sản Việt nhìn nhận lại, thay đổi tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy XK vào thị trường tỷ dân.
Xuất khẩu đồng loạt gặp khó
Nhìn nhận “bức tranh” XK nông, thủy sản nửa đầu năm, điểm rất dễ nhận thấy kim ngạch XK nhiều mặt hàng chủ lực sang thị trường Trung Quốc đều theo chiều đi xuống hoặc có mức tăng trưởng khiêm tốn.
Điển hình như mặt hàng gạo. Nửa đầu năm nay, khối lượng gạo XK ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Những tháng đầu năm, XK gạo gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh. Nguyên nhân là tồn kho gạo từ vụ cũ ghi nhận ở mức cao tại Trung Quốc. Trong khi đó, Bangladesh không chỉ khôi phục sản xuất sau lũ lụt vào 2017 mà còn lên kế hoạch XK gạo trong năm nay. Ngoài ra, các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu…
Tương tự, với mặt hàng rau quả, tổng giá trị XK nửa đầu năm ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc hiện vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả của Việt Nam với hơn 70% thị phần, song tính riêng 5 tháng đầu năm, XK rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,31 tỷ USD, tăng vỏn vẹn 1,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến mặt hàng sắn XK. Nửa đầu năm, khối lượng XK sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,2 triệu tấn và 460 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, hơn 80% sắn và sản phẩm từ sắn vẫn chủ yếu XK sang thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, từ đầu năm đến nay, giá XK sản và các sản phẩm từ sắn tiếp tục giữ xu hướng giảm, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục chững lại. Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc cũng đang trong mùa thấp điểm nên XK tinh bột sắn dự đoán sẽ vẫn trầm lắng.
Bên cạnh nông sản chủ lực, thủy sản XK sang Trung Quốc cũng không mấy khả quan. Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP): Giá trị XK thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,1% tổng giá trị XK thủy sản. Điểm đáng chú ý hơn cả là kim ngạch XK mặt hàng cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, tính đến hết tháng 6, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị XK cá tra.
Thờ ơ nên “méo mặt”
Tại sao từ cuối năm ngoái, đặc biệt là nửa đầu năm nay XK nông, thủy sản sang Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn, thách thức đến vậy? Theo ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Hiện nay, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Phía Trung Quốc siết chặt quy định dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm. Bước đầu, người dân chưa nắm hết được thông tin về các chất được hoặc không được sử dụng. DN cũng có trường hợp gặp khó về giấy tờ, thủ tục XK chính ngạch. “Ngoài ra, hiện nay nhiều mặt hàng Việt Nam thường xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, nay không xuất được nữa”, ông Nguyên nói.
Về thủy sản, ông Trần Đình Luân-Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phân tích khá rõ: Hiện, Việt Nam có 680 DN được phía Trung Quốc chấp thuận đủ điều kiện XK thủy sản sang thị trường này sau khi đảm bảo đầy đủ các tiêu chí mà cơ quan quản lý (cụ thể là Cục Quản lý Nông Lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT-PV) quy định. Danh mục thủy sản Việt Nam được phép XK sang Trung Quốc hiện cũng đã lên đến 128 loại. Đây là con số khá lớn cả về số lượng DN XK lẫn chủng loại sản phẩm nếu so với các mặt hàng nông sản khác như rau quả, sản phẩm chăn nuôi…
Tuy nhiên, ông Luân cho hay, đã có tình trạng một số địa phương, các DN, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, nhất là các tỉnh có truyền thống XK thủy sản tiểu ngạch sang Trung Quốc không mấy quan tâm tới những quy định này. Các quy định mới mà phía Trung Quốc đưa ra từ tháng 11/2018, trong đó có nhấn mạnh cả vấn đề truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều DN chế biến XK thủy sản vẫn chủ quan, không hợp tác. Điều đáng nói, hầu hết trường hợp này rơi vào các DN vừa và nhỏ.
Phân tích sâu hơn ở trường hợp mặt hàng cá tra, ông Luân nhấn mạnh: “Việc XK cá tra chính ngạch của các công ty vẫn bình thường, song năm nay Trung Quốc siết chặt buôn bán tiểu ngạch. Trước đây, phía DN Trung Quốc sang Việt Nam thấy cá là mua, đóng gói rồi mang về thì hiện nay không làm được như vậy. Thu mua cá tra đều phải có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng”.
Thay đổi để đáp ứng thị trường
Theo ông Trần Đình Luân, về dài lâu, không chỉ Trung Quốc mà bất cứ thị trường nào cũng vậy, khi có các quy định mới, DN và người dân cần chủ động nắm bắt, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để điều chỉnh kịp thời, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc.
Xung quanh vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá: Trong điều kiện thương mại mở cửa hiện nay, việc tận dụng các điều kiện thuận lợi sẵn có từ vị trí địa lý, chi phí logistic, nhu cầu, thị hiếu… đóng vai trò rất quan trọng. Nếu Việt Nam sản xuất được sản phẩm an toàn thì Trung Quốc vẫn là thị trường rất lớn. “Thực tế, năng lực sản xuất của ngành trồng trọt trong nước vẫn đang phát triển tốt, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các điệu khắt khe của thị trường các nước. Hy vọng từ nay đến cuối năm khi DN đã nắm rõ được thông tin có thể đẩy mạnh XK sang Trung Quốc”, ông Nguyên nói.
Theo ông Lê Thanh Hòa-Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Trong tương lai, những quy định mà phía Trung Quốc đặt ra chắc chắn còn khó khăn hơn. Vì vậy, điều mấu chốt là DN Việt Nam cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý – DN – người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hiện nay, hoa quả XK sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng hàng loạt các quy định như: Phải đáp ứng các yêu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị NK phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng, có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm công trùng có hại. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm NK vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng.
Tương tự, thủy sản cũng là mặt hàng Trung Quốc yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể, thủy sản XNK giữa hai bên (từ Việt Nam XK sang Trung Quốc và ngược lại) phải đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất, sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép XK do cơ quan có thẩm quyền của nước XK công nhận (tại Việt Nam là do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào danh sách). Thứ hai là từng lô hàng thủy sản khi XK phải kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp (tại Việt Nam do Nafiqad cấp, theo mẫu chứng thư an toàn thực phẩm đã được thống nhất giữa 2 nước).
Báo Hải Quan