Lý do là bởi khi đến Mỹ, các sản phẩm này sẽ được bán cho bên thứ ba và dán nhãn của công ty đó. Hơn nữa, chỉ những nơi sử dụng phần mềm theo dõi kết nối với mạng lưới của họ mới có thể xác định được, nhưng số này lại không nhiều.
Mối lo ngại về an ninh quốc gia
Các cơ quan liên bang Mỹ có 5 tuần để loại bỏ hoàn toàn camera giám sát mà Trung Quốc sản xuất nhằm tuân thủ lệnh cấm do Quốc hội áp dụng vào năm ngoái, trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc. Dẫu vậy, hàng ngàn thiết bị hiện vẫn còn hoạt động và nhiều khả năng sẽ không thể loại bỏ trước hạn chót là ngày 13/8.
Mạng lưới phức tạp của chuỗi logistics và các điều kiện cấp phép đã được thông qua khiến cho việc xác định một chiếc camera giám sát có thực sự được sản xuất tại Trung Quốc hoặc chứa những linh kiện có thể vi phạm quy định của Mỹ là điều gần như không thể.
Luật Uỷ quyền Quốc phòng (NDAA) có một đoạn sửa đổi cho năm tài khoá 2019 nhằm đảm bảo các cơ quan liên bang không mua camera giám sát của Trung Quốc. Việc sửa đổi, bổ sung chỉ rõ các công ty mà họ không được mua đó là Zhejuang Dahua Technology, Hangzhou Hikivision Digital Technology, cả hai đều là mối lo ngại về an ninh và ngành công nghiệp giám sát của Mỹ.
42% cổ phần của Hikivision được chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Năm 2017, Dahua đã bị công ty an ninh mạng ReFirm Labs phát hiện cài đặt cửa sau bí mật, cho phép những cá nhân bên ngoài xâm nhập và gửi thông tin về Trung Quốc. Dahua cho biết tại thời điểm đó rằng họ đã khắc phục vấn đề và công bố một văn bản về lỗ hổng này. Hiện tại, chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc thắt chặt quy định hơn nữa, bằng cách cấm cả 2 công ty mua công nghệ của Mỹ.
Dahua từ chối bình luận về lệnh cấm này. Trong một tuyên bố của công ty, Hikvision cho biết họ tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành và đã nỗ lực đảm bảo các sản phẩm của mình đều là an toàn.
Một phát ngôn viên của công ty trình bày thêm rằng chính phủ Trung Quốc không liên quan đến các hoạt động hàng ngày của Hikvision. Người này phát biểu: “Công ty độc lập đối với các cổ đông trong việc kinh doanh, hoạt động quản lý, tài sản, tổ chức và tài chính.”
Không nhiều cơ quan có thể xác định được nguồn gốc camera
Dù hạn chót mà NDAA đưa ra đã đến gần, nhưng ít nhất 1.700 chiếc camera của Hikvision và Dahua vẫn hoạt động ở những địa điểm trong danh sách cấm, theo Forescout Technologies. Katherine Gronberg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ tại Forescout, cho biết con số thực tế còn có khả năng cao hơn nhiều, bởi vì chỉ có 1 số nhỏ các văn phòng của chính phủ thực sự biết nguồn gốc của các camera họ đang sử dụng. Bà nói thêm, các cơ quan dùng phần mềm để theo dõi các thiết bị kết nối với mạng lưới của họ có thể đáp ứng được quy định và loại bỏ camera trước hạn chót.
Vài năm trước, Bộ An ninh Nội địa đã yêu cầu các cơ quan liên bang phải bảo mật mạng lưới của họ bằng cách theo dõi mọi thiết bị được kết nối. Tính đến tháng 12, chỉ có 35% cơ quan trong đó tuân thủ đầy đủ, theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan Giải trình Trách nhiệm Chính phủ (GAO). Do đó, hầu hết các cơ quan liên bang Mỹ vẫn không biết có bao nhiêu hoặc các thiết bị nào được kết nối với mạng của họ, hiện tại vẫn cố gắng xác định từng camera theo cách thủ công.
Những cơ quan có trong danh sách phải tuân thủ nhận thấy việc này còn phức tạp hơn nhiều so với việc tắt tất cả các camera dán nhãn Hikvision hay Dahua. Không chỉ là các camera của Trung Quốc được dán nhãn một hãng nào đó của Mỹ, mà rất nhiều thiết bị, trong đó có thiết bị Hikvision sản xuất còn có thể cũng chứa một phần nào đó đến từ Huawei – công ty đang nằm trong “tầm ngắm” của chính phủ.
Hikvision là nhà cung cấp dịch vụ camera giám sát lớn nhất thế giới, họ sản xuất những chiếc camera được lắp đặt tại các doanh nghiệp, ngân hàng, sân bay, trường học, căn cứ quân sự và văn phòng chính phủ Mỹ. Camera của hãng này có thể trích xuất những hình ảnh sắc nét, màu sắc sống động trong sương mù hay điều kiện thiếu sáng, sử dụng AI và hình ảnh 3D để phục vụ hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên quy mô lớn.
Sản xuất ở Trung Quốc, nhưng nhãn mác, bao bì lại của hãng khác
John Honovich, nhà sáng lập của trang video giám sát IPVM, cho hay, khi “đặt chân” đến Mỹ, một số camera của Dahua và Hikvision đã được gửi đến kho của họ ở Mỹ. Số khác thì đến các nhà sản xuất thiết bị như Panasonic hay Honeywell và được bán dưới tên những thương hiệu đó. Sau đó, các camera được những bên trung gian mua lại, ví dụ như các công ty an ninh, tiếp tục bán cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân.
Trên thực tế, 2 camera chạy firmware của Hikvision có thể mang nhãn mác và bao bì hoàn toàn khác nhau. Điều này có nghĩa là việc xác định hàng nghìn camera lắp đặt trên toàn quốc gia này có thực sự được sản xuất bởi Trung Quốc hay không là điều gần như không thể. Đại diện phát ngôn của Honeywell thậm chí cũng cho biết công ty không thể theo dõi các sản phẩm đã được dán nhãn lại như thế này. Panasonic không trả lời yêu cầu bình luận.
Chuỗi cung ứng phức tạp đã khiến các cơ quan chính phủ cảm thấy bối rối về việc làm thế nào để thực sự tuân thủ đúng quy định. Một nhân viên chính phủ làm việc tại Bộ Năng lượng cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hiểu rõ vấn đề này lớn đến mức nào. Tôi không nghĩ chúng tôi có đủ khả năng để xác định bao nhiêu camera đến từ Trung Quốc đang hoạt động ngoài kia.”
Bản thân quy định này cũng rất mơ hồ về việc nó có nghĩa là các cơ quan phải loại bỏ camera hay chỉ đơn giản là ngừng gia hạn cho những hợp đồng hiện có với các bên cung cấp. Một nhóm các quan chức chính phủ và các chuyên gia sẽ họp vào tuần tới để phân tích quy định mới này. Hiện tại, Hikvision có khoảng 50.000 công ty và các đối tác đang lắp đặt thiết bị của họ, tất cả đều băn khoăn rằng làm thế nào để quy định mới có thể được giải thích chi tiết hơn.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg