Dầm cầu trục có thể sử dụng dầm đơn, dầm đôi hoặc dạng giàn bằng thép I hoặc dạng tổ hợp
Các phương án lựa chọn thiết kế dầm cầu trục:
– Phương án 1: Cầu trục dầm đơn: Dầm chính chỉ có một dầm dạng hình chữ I, các nhánh thép bên dưới sử dụng palăng điện. Dầm cuối có kế cấu hạng hộp, có bánh xe di chuyển dọc theo ray đặt theo vai cột của nhà xưởng. Đây là phương án đơn giản, phù hợp với yêu cầu, chế độ làm việc nhẹ và không gian hoạt động lớn.
– Phương án 2: Cầu trục dầm đôi kết cấu dạng hộp: Dầm chính có hai dầm, trên dầm chính có hai thanh ray để xe lăn di chuyển. Dầm chính và dầm cuối được liên kết với nhau bởi bulông hoặc bằng liên kết hàn. Trên dầm cuối có lắp bánh xe, di chuyển trên ray đặt dọc theo nhà xưởng trên các cột.
Phương án thiết kế này phù hợp với phạm vi hoạt động lớn, thích hợp sử dụng ở tải trọng trung bình và nặng. Loại này có kết cấu dạng hộp nên việc chế tạo tương đối đơn giản, lắp ráp có thể dùng phương pháp hàn tự động, việc sửa chữa bảo dưỡng cầu trục này cũng khá đơn giản.
– Phương án 3: Cầu trục kiểu giàn: Hai dầm chính là hệ thống khung gian được liên kết bởi mối hàn. Có xe con di chuyển trên hai thanh ray.
Cầu trục kiểu giàn là một hệ không gian phức tạp, được chế tạo bằng phương pháp hàn các thanh dằn lại với nhau. Loại này có giá thành cao, đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ. Không được áp dụng phương pháp hàn tự động, bảo trì, bảo dưỡng khó khăn. Loại cầu trục này có khối lượng nhỏ tuy nhiên có thể nâng tải trọng nặng và rất nặng.
Qua việc tìm hiểu các phương án thiết kế dầm cho cầu trục ta thấy mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Song trên thực tế thường sử dụng cầu trục dầm đôi kết cấu dạng hộp vì giá thành không cao, dễ bảo trì, bảo dưỡng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật cần thiết trong nâng hạ.