Chỉ trong tháng 3, khoảng 140 triệu lao động đã mất việc, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 8% lên mức chưa từng có tiền lệ 26%. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế Ấn Độ có thể sụt giảm 45% trong quý này.
Sau 2 tháng ròng rã phải tuân theo một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới để ngăn chặn Covid-19, Ấn Độ cuối cùng cũng đã trở lại cuộc sống bình thường nhưng đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đúng là phong tỏa đã giúp “làm phẳng đường cong” dịch bệnh. Ấn Độ có ít người thiệt mạng hơn Thụy Điển trong khi dân số đông hơn gấp 134 lần. Nhưng con số thống kê chính thức cho thấy mỗi ngày vẫn có 150 người chết. 1,3 tỷ người Ấn Độ đang quay trở lại với những con phố và công sở trong khi nguy cơ nhiễm bệnh không hề giảm so với thời điểm trước phong tỏa.
Tồi tệ hơn, nước này đang phải trả cái giá kinh tế nặng nề hơn so với đa số các quốc gia trên thế giới. Chỉ trong tháng 3, khoảng 140 triệu lao động đã mất việc, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 8% lên mức chưa từng có tiền lệ 26%. Khoảng 10 đến 80 triệu lao động nhập cư đã quay trở về quê nhà nghèo khó với nỗi thất vọng tràn trề. Hàng triệu người Ấn Độ đang làm việc ở nước ngoài hoặc đang lên kế hoạch về nhà hoặc giảm mạnh số kiều hối gửi về cho gia đình. Nhóm những lao động chính thức (chiếm khoảng 10% lực lượng lao động) có cuộc sống đỡ khó khăn hơn, nhưng là do chủ của họ đang cố gắng trì hoãn việc sa thải.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế Ấn Độ có thể sụt giảm 45% trong quý này, cả năm 2020 GDP giảm 5% nhưng đó là nếu như hồi phục mạnh trong 6 tháng cuối năm. Hội đồng nghiên cứu kinh tế quốc gia, 1 think tank ở Delhi, đưa ra con số tồi tệ hơn: giảm 12,5% trong năm tài khóa 2020 trừ khi có 1 gói kích thích khổng lồ.
Nhận thức được những nỗi đau này, Thủ tướng Narenda Modi hôm 12/5 đã cam kết tăng chi tiêu công thêm 265 tỷ USD, tương đương 10% GDP, để kích thích tăng trưởng. Nhưng gói này sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Ấn Độ tăng lên mức 12% GDP, và tỷ lệ nợ/GDP tăng lên 80%.
1 bài xã luận đăng trên nhật báo tài chính địa phương Mint cho rằng điều mà Ấn Độ cần là “một lượng lớn tiền được đưa vào lưu thông một cách dễ dàng trơn tru”. Nhưng thay vì kích cầu, đặc biệt là phát tiền mặt khẩn cấp cho những người nghèo nhất, chính phủ của ông Modi lại tập trung vào phía cung với những chính sách như bảo lãnh tín dụng, đồng thời thực hiện những cải cách mà sẽ phát huy tác dụng sớm nhất là trong trung hạn.
Không có gì đáng ngạc nhiên, những người ủng hộ ông Modi giải thích rằng thay vì phát tiền trực tiếp, chính phủ đã tạo điều kiện cho các công ty nhỏ – nhóm sử dụng nhiều lao động nhất và là xương sống của nền kinh tế – tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Và những cải cách như chuyển sang hệ thống quốc gia (thay vì theo bang như trước) để phân phối thực phẩm trợ cấp không chỉ giúp ích cho người nghèo mà còn giúp tiết kiệm ngân sách.
Hai nhà kinh tế học đạt giải Nobel của Ấn Độ – Amartya Sen và Abhijit Banerjee – cho rằng khoản trợ cấp 100 USD mỗi tháng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho rất nhiều gia đình ở Ấn Độ. Nhưng cho đến nay khoảng 200 triệu phụ nữ nghèo chỉ nhận được 6,6 USD mỗi tháng, và 70 triệu nông dân được hứa hẹn sẽ được phát 26 USD mỗi tháng. Kể cả đối với 60% người dân Ấn Độ đang sống dựa vào chưa đến 3,2 USD mỗi ngày (mức chuẩn nghèo mà World Bank quy định cho các nước thu nhập trung bình), số tiền trên chỉ như muối bỏ bể và rõ ràng không thể kích cầu.
Kể cả trước khi có virus corona, nợ xấu đã đè nặng lên hoạt động chi tiêu và đầu tư ở Ấn Độ, thế nhưng chính phủ và NHTW nước này dường như vẫn đang hi vọng có thể hồi sinh nền kinh tế bằng cách khuyến khích vay mượn.
Theo Trí thức trẻ