Trong thời điểm mà việc làm ăn không thuận lợi, việc phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid gần như đã đánh gục gã khổng lồ của hàng không Thái Lan.
Thai Airways, công ty hàng không quốc gia của Thái Lan, đã rất gần với nguy cơ phá sản. Hãng hàng không sẽ tròn 60 tuổi vào tháng 5 này hiện đang đàm phán với chính phủ về một khoản cứu trợ lên tới 60 tỷ bath (tương đương 1,8 tỷ USD), sau khi hãng này chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc không thể cất cánh vì virus corona.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Thai Airways đã không còn là chính mình trong nhiều năm trở lại đây, và dịch Covid – 19, mặc dù có thể là “cú đấm” cuối cùng hạ gục hãng này, nhưng cũng mang lại cơ hội cho một cuộc tái cấu trúc toàn diện đối với công ty.
Thai Airways là hãng hàng không quốc gia Thái Lan được thành lập vào năm 1960 với cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính của nước này (sở hữu 51% cổ phần). Tới năm 2018, hãng sở hữu 90 máy bay, 22.054 nhân viên, trong đó có 1.438 phi công; bay tới 84 địa điểm và 37 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong 38 năm kể từ khi thành lập, công ty luôn làm ăn có lãi cho tới năm 2008, với việc giá nguyên liệu tăng cao cùng tình hình chính trị bất ổn (do xung đột giữa những người ủng hộ thủ tướng Thaksin và các bên đối lập) đã dẫn tới khoản lỗ 21 tỷ bath (tương đương với 675 triệu USD) trong năm đó. Mặc dù vậy, với những sự cải tiến kịp thời, ngay năm sau hãng đã quay trở lại quỹ đạo với khoản lãi hơn 7 tỷ bath.
Thai Airways đã thực hiện hàng loạt cải tổ kể từ năm 2010, tập trung vào việc đổi mới máy bay và nâng cấp các dịch vụ của hãng, bao gồm cả việc loại bỏ các máy bay tiêu tốn nhiều nguyên liệu như A340 – 500, thay thế bằng các loại máy bay hiện đại hơn như Boeing 787 hay Airbus A350. Bên cạnh đó, hãng cũng mở lại nhiều đường bay tới châu Âu nhằm gia tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, những kế hoạch cải tổ của hãng đã tỏ ra không hiệu quả, với nguyên nhân được cho là do can thiệp chính trị, tham nhũng và lạm quyền vốn là những vấn đề dai dẳng trong quản lý của Thái Lan.
Điển hình của việc này là việc mua sắm 3 máy bay A340-500 của hãng này, vốn tiêu tốn nhiều nguyên liệu và hiệu quả hoạt động kém hơn nhiều so với kỳ vọng, dẫn đến tổn thất không nhỏ cho Thai Airways. Chính điều này đã dẫn đến việc mặc dù lượng hành khách của hãng không ngừng tăng lên, đạt 24,6 triệu người, cùng với đó là số lượng máy bay cũng hãng đạt được 3 con số (100 máy bay) vào năm 2017, nhưng hãng tiếp tục thua lỗ trong năm đó (lợi nhuận của hãng năm 2017 ở mức âm 2 tỷ bath, tương đương 66 triệu USD). Càng hoạt động, Thai Airways càng lún sâu vào cảnh thua lỗ.
Kể từ năm 2017 đến nay, hãng liên tục làm ăn thua lỗ với mức lỗ tăng dần qua các năm. Sau năm 2017, hãng đã thay đổi đội ngũ quản lý với mục tiêu phục hồi lại mức lợi nhuận trước đây, đồng thời lọt vào top 5 hãng hàng không hàng đầu thế giới thông qua việc tận dụng sự phát triển của ngành du lịch Thái Lan.
Trọng tâm của kế hoạch này là chi ra tới 100 tỷ bath để mua 23 máy bay mới, thay thế cho đội máy bay già cỗi của hãng. Tuy nhiên, những kế hoạch này không những không giúp hãng tốt hơn, mà còn đẩy Thai Airways vào cảnh thua lỗ nặng nề. Năm 2018, Thai Airways ghi nhận mức lợi nhuận âm 361 triệu USD và năm 2019 là âm 374 triệu USD. Hãng hàng không này hiện đang có khoản nợ lên tới trên 7,6 tỷ USD, trong đó 677 triệu USD là nợ phải thanh toán trong năm nay.
Tuy nhiên hãng hiện chỉ có lượng tiền mặt là 674 triệu USD, và khả năng trả được khoản nợ nêu trên gần như là không có. Trong thời điểm mà việc làm ăn không thuận lợi, việc phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid gần như đã đánh gục gã khổng lồ của hàng không Thái Lan.
Kể từ năm 2017, Thai Airways liên tục làm ăn thua lỗ với mức lỗ càng ngày càng lớn hơn. Nguồn: Nikkei, Thai Airways
Cuối tháng 4 vừa qua, hãng đã phải đề nghị một gói cứu trợ trị giá khoảng 10 tỷ bath (hơn 300 triệu USD) để thanh toán lương cho nhân viên và tránh việc bị phá sản. Tuy nhiên tới tháng 5, hãng này đã nghiêm túc xem xét khả năng phá sản và mặc dù tương đối khó khăn do là doanh nghiệp của nhà nước, song những phương án về việc thực hiện điều này đã được Bộ Tài chính Thái Lan lên kế hoạch.
Việc để cho Thai Airways phá sản nhằm phục hồi và tái cơ cấu hãng hàng không này, sau những gì hãng phải trải qua nhiều năm qua và cả dịch Covid – 19 nửa đầu năm nay. Như vậy sau 60 năm hoạt động, Thai Airways nhiều khả năng sẽ trở thành hãng hàng không thứ 2 tại khu vực châu Á Thái Bình Dương phá sản, sau hãng Virgin Australia hồi tháng 4 năm nay.
Hoạt động không hiệu quả cùng dịch Covid – 19 đã đánh gục hoàn toàn Thai Airways (Ảnh: Bangkok Post)
Dịch Covid – 19 đã khiến rất nhiều hãng hàng không lâm vào cảnh khó khăn do phải dừng hoạt động trong nhiều tháng do các lệnh hạn chế xuất nhập cảnh từ các nước. Tình hình dịch bệnh vẫn còn đang rất nghiêm trọng khi tới nay, hơn 4,5 triệu người đã nhiễm bệnh với 312 nghìn người tử vong; điều nay càng làm cho các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn hơn.
Trước Thai Airways, hai hãng hàng không lớn là Virgin Australia và Avianca đã lần lượt nộp đơn phá sản do không còn khả năng tiếp tục hoạt động. Mặc dù vậy, việc phá sản của Thai Airways sẽ giúp cho hãng này tái cơ cấu hiệu quả hơn và trong tương lai hoàn toàn có thể quay trở lại hoạt động.
Theo Tổ Quốc