Thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên thép nhập khẩu từ nước ngoài không ngờ lại khiến nhiều hãng thép ở Mỹ lao đao…
Sau khi chính quyền ông Trump áp thuế quan lên thép nhập khẩu, sản lượng của các nhà máy thép ở Mỹ đã tăng mạnh, đúng vào lúc nhu cầu sa sút do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu đi.
Nhu cầu giảm khiến giá thép giảm xuống, dẫn tới sự khác biệt lớn trong kết quả quả kinh doanh của những công ty như Nurcor – sử dụng lò hồ quang với chi phí vận hành rẻ hơn để luyện thép vụn thành sản phẩm thép – với những công ty như US Steel – sử dụng lò cao với chi phí vận hành đắt đỏ hơn.
Kể từ khi ông Trump áp thuế quan lên thép nhập khẩu vào Mỹ cách đây 16 tháng, US Steel đã mất khoảng 70% giá trị vốn hóa thị trường, tương đương thiệt hại 5,5 tỷ USD. Do giá thép tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016, hai trong số các lò luyện thép của US Steel tại Mỹ không thể tiếp tục làm ăn có lãi và đã phải tạm ngừng hoạt động từ giữa tháng 6.
Giá trị vốn hóa thị trường của Nucor giảm 20% trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, hãng này mới đây đã công bố một số kế hoạch mở rộng hoạt động với tổng trị giá 2,5 tỷ USD.
Tổng giám đốc (CEO) John Ferriola của Nucro nói rằng thuế qua của ông Trump đã đẩy nhanh “một cuộc cách mạng” không thể tránh khỏi trong ngành sản xuất của Mỹ. “Chắc chắn là một số công ty sẽ gặp khó khăn và phải giảm công suất”, ông Ferriola nói.
Trong chuyến thăm một nhà máy của US Steel ở Illinois vào tháng 7 năm ngoái, ông Trump tự tin rằng kế hoạch áp thuế lên thép nhập khẩu của ông sẽ giúp ích cho ngành thép Mỹ.
“Các công nhân quay lại với công việc. Chúng ta sẽ một lần nữa đưa thép Mỹ vào hệ thống xương sống của nước Mỹ”, ông Trump nói khi đó. “US Steel đã trở lại”.
Nhưng kết quả từ đó đến nay có vẻ là một câu chuyện khác.
Lúc đầu, khi thép nhập khẩu giảm, nhu cầu tại thị trường Mỹ đối với thép trong nước tăng, giúp các hãng thép Mỹ tăng mạnh lợi nhuận. Cùng với chương trình giảm thuế của ông Trump và niềm tin chủ nghĩa bảo hộ sẽ duy trì, các công ty thép Mỹ bắt đầu tăng mạnh công suất.
Không lâu sau, mọi chuyện bắt đầu xấu đi đối với nhiều hãng thép Mỹ. Trong khi các công ty có tiềm lực mạnh hơn đã tăng mạnh công suất để chiếm thị phần, sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ thép đã khiến những công ty yếu hơn, sử dụng công nghệ lò cao như US Steel và AK Steel không thể cạnh tranh, cho dù thép nhập ngoại bị loại khỏi phương trình cạnh tranh trên thị trường thép Mỹ.
Nhà phân tích Timna Tanners thuộc Bank of America nói rằng việc ngành thép Mỹ tăng mạnh công suất trong khi không có đủ nhu cầu chẳng khác gì đi tới “ngày tận thế của thép”. Bà Tanners cũng nói thật “trớ trêu” khi thuế quan của ông Trump nhằm giúp ngành thép Mỹ lại đang là “sự trừng phạt đối với một số công ty thép” Mỹ.
Vneconomy