TP.HCM đã chọn ý tưởng quy hoạch quận 2, 9 và Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo phía Đông có chức năng trọng điểm về tài chính, khoa học, giáo dục,… Vì thế, TP.HCM đang xây dựng những chiến lược đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông quy mô khá lớn, kết nối liên vùng thông suốt.
Để có thể nhanh chóng triển khai kế hoạch này, TP.HCM đang kiến nghị những cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư và nhân tài cho khu đô thị sáng tạo. Trong tương lai, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời rà soát cơ sở pháp lý và xây dựng các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, tạo tiền đề cho việc ra đời thành phố phía Đông trong tương lai.
Công ty Sasaki – Đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị phía Đông, nhấn mạnh rằng TP.HCM phải đặt việc đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối quy mô lớn với khu trung tâm hiện hữu và hướng đến liên kết vùng để phù hợp với chiến lược triển khai mở rộng vùng đô thị trong tương lai.
Theo phân tích các chuyên gia bất động sản, không chỉ năm 2020, mà trong nhiều năm tới, khu Đông sẽ trở thành khu vực dẫn dắt thị trường. Đây là khu vực được đánh giá là hướng mở nhất trong chiến lược phát triển đô thị của TP.HCM.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng chính vì những cơ hội to lớn này, trong năm 2020, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM. Bởi khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển và sở hữu đầy đủ các yếu tố kích cầu thị trường bất động sản đi lên. Hạ tầng giao thông, dịch vụ công ích và hàng loạt khu đô thị mới với nguồn vốn đầu tư lớn đã và đang dần hiện hữu tạo niềm tin rất lớn với các nhà đầu tư.
Ngoài trục chính xa lộ Hà Nội, khu Đông còn có hàng loạt trục giao thông chiến lược như cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn 4km đầu); metro Bến Thành – Suối Tiên, Vành đai 2, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh,… và sắp tới là dự án Bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động sẽ tạo thêm cú hích tạo động lực phát triển khu vực này.
Bên cạnh đó, giao thông khu Đông còn dễ dàng di chuyển về các hướng cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Võ Văn Kiệt,… với thời gian vào khu trung tâm thành phố khoảng 15 – 20 phút. Ngoài ra, việc kết nối cầu Phú Mỹ với tuyến đường Vành đai giúp giao thông giữa khu Đông và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng như các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An trở nên thuận tiện.
Trong tháng 4/2020, dự án Bến xe miền Đông mới và Bệnh viện Ung Bướu 2 sẽ đi vào hoạt động. Cũng trong thời gian này, Ban quản lý Các Công trình đô thị TP.HCM sẽ khởi công xây dựng các cầu vượt và đường hầm kết nối từ nhiều tuyến đường chính vào Bến xe miền Đông mới và nhà ga trung tâm Metro.
Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương. Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, 1 đường trên phần đường song hành phải QL1 rộng 8m, dài 670m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái QL1 rộng 8m, dài 350m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.
Trong giai đoạn 2020 – 2022, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách, riêng tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỷ đồng. Các đơn vị liên quan đang hoàn thiện phương án đầu tư cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Song song đó, dự án nút giao thông Mỹ Thủy là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM với tổng số vốn gần 2.400 tỷ đồng. Một khi dự án được hoàn thiện sẽ giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng thời, dự án này cũng góp phần tăng cường an toàn giao thông trên tuyến, từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và hoàn chỉnh quy hoạch tại khu vực này.
Ngay giao lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống sẽ được đầu tư xây dựng dự án hầm chui 3 tầng, song song với việc nâng cấp – mở rộng tuyến đường Đồng Văn Cống nối dài đến khu đô thị Cát Lái hiện hữu.
Hầm chui Mỹ Thuỷ đang được đầu tư giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2021, bao gồm cầu vượt trên đường vành đai 2 dài 316m với 4 làn xe; cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725m với 2 làn xe; cầu Mỹ Thủy 3, dài 124m với 6 làn xe; cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái, dài 75m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 khoảng 1.100 tỉ đồng.
Chuyển động mới nhất, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cảng Cát Lái, UBND TP.HCM vừa đồng ý chủ trương nghiên cứu một số phương án mở rộng các tuyến đường nối vào khu vực này. Theo đó, phương án 1 là mở rộng đường Nguyễn Thị Định đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái. Phương án 2 là xây dựng đường nối liền cảng Cát Lái – Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu theo lộ giới được duyệt.
Song song đó, UBND TP.HCM cũng vừa chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng 4 cầu và các công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo tuyến đường Cao tốc Long Thành – Dầu Giây), UBND TP.HCM sẽ thu hồi các khu đất đã được giao thanh toán cho hợp đồng BT dự án và tìm các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho hợp đồng BT dự án.
Trong tất cả các dự án hạ tầng giao thông trên, còn phải kể đến một công trình quan trọng khác được đánh giá sẽ góp phần rất lớn trong việc kết nối liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Đông. Theo đó, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang bàn phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Bước đầu, hai địa phương đã thống nhất các phương án triển khai dự án với quyết tâm sẽ khẩn trương xây dựng nhanh công trình này. Đây được xem là “cú hích” rất quan trọng để TP.HCM thực hiện nhanh chiến lược phát triển những khu đô thi vệ tinh và quy hoạch vùng đô thị mở rộng hướng Đông. Dự án theo tính toán ban đầu có tổng vốn đầu tư, gồm cả chi phí đền bù giải toả, lên gần 9.000 tỷ đồng.
Phà Cát Lái hiện hữu – nơi sẽ được đầu tư xây dựng dự án cầu Cát Lái nối TP.HCM với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai.
Ghi nhận thực tế cho thấy, làn sóng phát triển hạ tầng mạnh mẽ của khu Đông đã khiến thị trường BĐS nơi đây liên tục phát triển trở thành nơi tập trung đầu tư của rất nhiều công ty bất động sản hàng đầu trong và ngoài nước. Hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư tạo nên một cộng đồng dân cư hiện đại, kết nối với nhiều tiện ích đang được triển khai tại đây, từ đó giá chào bán các phân khúc cũng gia tăng mạnh.
Thị trường BĐS đầu năm 2019 đến nay, cho dù trong những tháng thị trường “đứng bánh” do đại dịch Covid-19, nhiều khu vực tại khu Đông không ngừng tăng giá mạnh. Theo lý giải của giới đầu tư, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng là điều dễ hiểu, trong đó lý do chính là sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm thành phố.
Nếu so sánh giá bán căn hộ tại Quận 2, Quận 9 ở thời điểm hiện tại với cách đây khoảng 2 năm, có thể thấy các căn hộ tại đây đã gia tăng trung bình từ 40–60% giá trị thậm chí có nhiều nơi tăng lên vài trăm phần trăm, và tính thanh khoản luôn đạt tỷ lệ hơn 90%. Đặc biệt, các dự án đã và đang hoàn thiện nằm dọc những trục đường chính của khu Đông như Jamila, Safira đều được “săn” liên tục.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng 8/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức như quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về chiến lược này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập 3 quận phía Đông của TP.HCM. “Còn tên gọi là gì sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp”, Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP.HCM thực hiện.
Theo Nhịp sống kinh tế